Du lịch thực tế ảo (VRT) giúp du khách tìm hiểu trước điểm đến hoặc “tham quan” những công trình không còn hiện hữu. Tại thành phố Hồ Chí Minh, công nghệ này bước đầu phát huy tác dụng tại một số điểm du lịch, nhưng vẫn cần được hoàn thiện.
Đưa tay vuốt màn hình, “lật” từng trang ảnh, video, hình và nội dung minh họa những điểm đến của chuỗi di tích Biệt động Sài Gòn, ông Hoàng Trọng Khánh, 71 tuổi, du khách đến từ Đồng Nai cho biết, rất tiện dụng, dễ dùng. Sau trải nghiệm này, ông mạnh dạn đeo chiếc kính thực tế ảo để khám phá những điều mới lạ tại Bảo tàng.
“Đứng ở đây, nhưng tôi có thể đến ‘thăm’ nhiều điểm khác ở thành phố này, thậm chí còn ngược về thời gian xem những chuyện xưa. Rất thú vị!”, ông Khánh chia sẻ.
Công nghệ thực tế ảo đã được áp dụng tại nhiều điểm du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là nơi đầu tiên thực hiện “bảo tàng số”, với việc ứng dụng công nghệ Smart Museum 3D/360 vào trưng bày, triển khai giải pháp ứng dụng tham quan thực tế ảo tương tác thông minh.
Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ Nguyễn Thị Thắm cho biết các hiện vật sau khi được số hóa sẽ chuyển thành mô hình 3D, sử dụng kỹ thuật hologram trở nên lung linh, sắc nét nét hơn, cho cảm nhận chân thực nhất. Thậm chí, khách tham quan còn có thể tương tác trực tiếp trên phần mềm như xoay, phóng to, thu nhỏ hiện vật…
“Chúng tôi đã sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ Smart Museum 3D/3600 để du khách có thể xem phòng trưng bày của bảo tàng tại nhà qua trang web smartmuseum3d.baotangphunu.com, tạo thêm sức lôi cuốn để khách đến bảo tàng”, bà Nguyễn Thị Thắm nói.
Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc nghiên cứu đề tài về tiềm năng phát triển du lịch thực tế ảo tại thành phố.
Theo Chủ nhiệm đề tài Trần Tuyên, sau khi đã phát triển khá nhanh trong 2 năm giãn cách phòng, chống dịch Covid-19, việc ứng dụng VRT tại thành phố Hồ Chí Minh chưa có bước tiến đáng kể. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chuẩn bị để phát triển du lịch thực tế ảo ở khía cạnh công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực. Các chính sách phát triển du lịch thực tế ảo hiện nay chủ yếu gắn với phát triển du lịch thông minh, tăng cường chuyển đổi số mà chưa có giải pháp, chính sách ưu đãi cụ thể.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Hồ Xuân Hướng, Lê Nhật Hạnh và Lê Thị Hạnh Dung đến từ Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định), Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Nielsen Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành đề tài “Vai trò của thực tế ảo trong quảng cáo du lịch”.
Theo đó, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh dù đã đạt kết quả khả quan ban đầu nhưng đang dừng lại ở mức cung cấp hình ảnh 3D mà ít chú ý nâng cao độ phân giải và những tiện ích trải nghiệm khác. Điều này khiến một số khách hàng bị chóng mặt khi xem, sản phẩm giảm độ “hấp dẫn” trước khi du khách quyết định có đến thăm trực tiếp hay không.
“Chúng tôi đã khảo sát 305 trường hợp, đa số cho rằng cần ứng dụng công nghệ thực tế ảo mới hơn nữa để gia tăng giá trị trải nghiệm “thử trước khi mua” một cách chân thực nhất của khách du lịch tiềm năng”, Trưởng nhóm nghiên cứu Hồ Xuân Hướng thông tin.
Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt ngành sẽ chủ động thực hiện một số sản phẩm ứng dụng công nghệ thực tế ảo để quảng bá điểm đến. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch chủ động thực hiện giải pháp công nghệ nói chung và du lịch ảo nói riêng để thu hút khách hàng.
“Ngành Du lịch đã và đang triển khai số hóa các điểm đến trên địa bàn như bảo tàng, Bưu điện trung tâm, Hội trường Thống Nhất…bằng giao diện ảnh 360 độ, 3D, công nghệ thực tế ảo…để tăng trải nghiệm du lịch mới cho du khách”, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa thông tin.