Nhiều đài truyền hình, tòa soạn tại châu Á đã và đang sử dụng các “phóng viên, dẫn chương trình ảo” bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay thế cho người thật.
Năm 2018, Trung Quốc đã thực hiện một bước đi được cho là đầu tiên trên thế giới – giới thiệu một người dẫn chương trình truyền hình ảo, được tạo ra bằng phần mềm và tích hợp AI. Theo hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc, Tân Hoa Xã, người dẫn chương trình ảo này “làm việc” 24 giờ một ngày trên trang web và các kênh truyền thông xã hội, giúp giảm chi phí sản xuất tin tức.
Đó là 5 năm trước, thời điểm nền báo chí AI vẫn còn mới mẻ đối với ngành công nghiệp này và thế giới cũng không ngạc nhiên khi Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong quá trình phát triển này. Cho đến ngày nay, với sự phát triển của AI dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như AI tạo sinh, việc sử dụng công nghệ đã trở thành một phần trong ngành này. Bốn năm trước, Francesco Marconi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của The Journal, nói với tờ New York Times, “Có thể vài năm trước, AI chỉ là một công nghệ mới được các công ty công nghệ lớn sử dụng, nhưng giờ đây nó đang trở thành một thứ cần thiết”.
“Tôi nghĩ rằng rất nhiều công cụ trong ngành báo chí sẽ sớm được hỗ trợ bởi AI”, Marconi dự đoán vào năm 2019. Và ông ấy đã không sai – trong thời đại của ChatGPT, các tòa soạn trên toàn thế giới đang bắt đầu đối diện với việc họ sẽ làm thế nào để tích hợp công nghệ này vào quy trình làm việc và nơi làm việc của họ.
Lấy châu Á làm ví dụ, khu vực này đang chứng kiến sự gia tăng của các robot tin tức AI, thường là để phục vụ các nhu cầu đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ.
Nhân viên, người dẫn chương trình truyền hình ảo bằng AI của Ấn Độ
Vào tháng 4, một chatbot AI lần đầu tiên đã được ra mắt dẫn tin tức trên truyền hình ở Ấn Độ có tên gọi là “Sana”. Người dẫn chương trình ảo này có làn da trắng và mái tóc đen dài, làm nhiệm vụ đọc những tin tức nổi bật trên kênh tin tức tiếng Hindi Aaj Tak thuộc sở hữu của India Today, một trong những hãng truyền thông lớn nhất trong nước.
Mới đây, Sana đã làm nên lịch sử trên chương trình giờ vàng của Aaj Tak khi trình bày một bản tin hoàn toàn bằng tiếng Pháp, đánh dấu một bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực truyền thông của đất nước này.
Khả năng mới nhất của Sana xuất hiện cùng thời điểm với chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Modi tới Pháp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Pháp. Cùng theo xu hướng này, nhiều kênh truyền hình khác trên toàn quốc cũng đã giới thiệu những người dẫn chương trình tin tức do AI cung cấp.
Sau Sana, đài truyền hình Odisha TV ở miền Đông Ấn Độ cũng đã công bố một chatbot tương tự có tên Lisa, dẫn tin tức bằng ngôn ngữ địa phương tiếng Odia.
Người đứng đầu kênh, Jagi Mangat Panda, gọi khoảnh khắc đó là “một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực truyền hình và báo chí số” và cho biết vai trò của “Lisa” sẽ liên quan đến việc thực hiện công việc lặp đi lặp lại “để những người đưa tin có thể tập trung vào công việc sáng tạo nhằm mang đến những tin tức chất lượng hơn”.
“Lisa” cũng có thể cung cấp tin tức bằng nhiều ngôn ngữ địa phương của Ấn Độ. Ngay cả kênh Power TV của Ấn Độ, một kênh tiếng Kannada, cũng đã thực hiện một bước đi đột phá tương tự. Kênh đã giới thiệu người dẫn chương trình AI của riêng mình, Soundarya.
Indonesia
Cùng tháng mà Ấn Độ giới thiệu nhân viên dẫn chương trình tin tức ảo đầu tiên của họ, Indonesia, cũng đã giới thiệu 3 nhân viên dẫn chương trình AI.
Cụ thể, kênh tvOne, một trong những kênh truyền hình được xem nhiều nhất ở Indonesia, đã giới thiệu ba người dẫn chương trình ảo có tên là Nadira và Sasya, tiếp theo là Bhoomi, một người miền Đông Indonesia có mái tóc xoăn.
Xây dựng các hình tượng khác nhau là để thu hút một số nhóm nhân khẩu học hàng đầu của đất nước. Theo một báo cáo truyền thông địa phương, mặc dù được xúc tiến bởi chính phủ Indonesia, nhưng các hình tượng được tạo bằng phần mềm AI này vẫn chưa có khả năng tương tác hoàn toàn.
“Người Indonesia chưa hoàn toàn ấn tượng – trong video giới thiệu, lời nói của nhân viên ảo không hoàn toàn đồng bộ với hoạt ảnh, hình ảnh của các nhân vật này trông lạ lẫm và không tự nhiên”, một bài viết trên Rest of World chia sẻ.
Đài Loan
Đài truyền hình FTV News của Đài Loan gần đây cũng đã giới thiệu một người dẫn chương trình thời tiết AI vào ngày 3/7 vừa qua. Sau 6 tháng phát triển, nhân viên dẫn chương trình thời tiết AI này, chưa được đặt tên, được tạo ra bằng công nghệ của Công ty Toàn cầu Trí tuệ nhân tạo (AIGC), cho phép nó tạo ra hình ảnh con người giống như thật.
Cũng như những người dẫn chương trình ảo khác, nhân viên AI ở Đài Loan cũng có thể học hỏi từ các chương trình phát sóng trước đây của mình, cải thiện cách nói, tạm dừng, nhịp điệu và cách trình bày tổng thể. Ngoài ra, kênh Đài Loan này cung cấp cho nhân vật AI một kịch bản tin tức hàng ngày để “thực hành”, phù hợp với từng tình huống cụ thể.
Kuwait
Bên cạnh Ấn Độ và Indonesia, một công ty truyền thông Trung Đông cũng nhân cơ hội này ra mắt người dẫn chương trình tin tức ảo đầu tiên của mình vào tháng 4 vừa qua. Người dẫn chương trình AI “Fedha” đã xuất hiện trên tài khoản Twitter của Kuwait News và nó đã tạo ra vô số phản ứng trên mạng xã hội.
Người dẫn chương trình tin tức “Fedha” đã xuất hiện trên tài khoản Twitter của Kuwait News.
Trong khi một số ca ngợi người dẫn chương trình truyền hình ảo là một sự đổi mới, những người khác bày tỏ lo ngại về đạo đức của việc sử dụng AI trong các phòng tin tức.
Malaysia
Ngay cả ở Malaysia, làn sóng AI tạo sinh cũng đã bắt đầu lan tỏa trong các hoạt động của tòa soạn. Hai nhân viên ảo AI đã được giới thiệu vào tháng 5 năm nay tại một trong những tổ chức tin tức truyền hình hàng đầu của quốc gia này, Astro Awani.
Joon và Monica là kết quả của sự kết hợp giữa hai khía cạnh: công nghệ AI tạo sinh và làm báo chí chuyên nghiệp.
Joon là một nhân viên AI xuất hiện trên kênh 501 của Astro Awani, trình bày các bản tin tin tức bằng tiếng Malaysia trong các buổi phát sóng tin tức buổi tối. Monica, người có diện mạo của người Scandinavi, tham gia thảo luận về chương trình trò chuyện Chương trình nghị sự AWANI mỗi tối cùng ngày.
Theo Tổng biên tập của Astro AWANI, Ashwad Ismail, sự phát triển của các người dẫn chương trình truyền hình ảo AI như Joon và Monica có tầm quan trọng đáng kể. Mặc dù chúng không nhằm mục đích thách thức hoặc thay thế những tài năng hiện có của con người, nhưng chúng nhằm mục đích nâng cao và củng cố chất lượng của các cá nhân con người và các sản phẩm mà họ tạo ra.