Công nghệ thực tế ảo tuy đã phát triển nhanh chóng trong vài năm qua nhưng ít ai biết rằng thực tế ảo đã có từ giữa thế kỷ XX. Vào năm 1950, Morton Helig phát minh ra thiết bị mô phỏng nhà hát thực tế ảo tên Sensorama. Đây được xem là tiền đề cho sự phát triển VR sau này. Đến năm 1990, công nghệ thực tế ảo đã được định hình rõ nét và phát triển mạnh mẽ hơn ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Để trải nghiệm được các sản phẩm công nghệ thực thế ảo cần có thiết bị phần cứng là Kính thực tế ảo
Kính thực tế ảo là gì?
Kính thực tế ảo (Virtual Reality Glasses) hay còn gọi là kính VR – là thiết bị phần cứng để sử dụng các phần mềm công nghệ VR. Kính VR có khả năng tái tạo, mô phỏng không gian một cách rõ ràng, chân thực và cực kỳ sống động nhờ vào xử lý từ máy tính. Qua đó, kính cho phép người dùng có những trải nghiệm tuyệt vời và tận hưởng được các góc nhìn thực tế ảo vô cùng đẹp, với hình ảnh và màu sắc đều được làm như thật, phá bỏ mọi giới hạn thông thường.
Cấu tạo của kính thực tế ảo
Kính thực tế ảo sử dụng thị giác máy tính và đồ họa tiên tiến để tạo hình ảnh, video 3D bằng cách thêm độ sâu, tái tạo tỷ lệ và khoảng cách giữa các hình ảnh 2D tĩnh. Kính thực tế ảo gồm 2 phần chính:
- Phần cứng: gồm các thiết bị đầu vào như camera quan sát, các thiết bị cảm biến, thấu kính, tay cầm controller và các thiết bị kết nối khác với PC, giúp tăng cường các giác quan của người dùng để mô phỏng không gian thực tế ảo. Đầu ra của phần cứng sẽ là tai nghe âm thanh nổi, màn hình hiển thị, bộ phản hồi cảm giác và xung lực cũng chính là tay cầm Controller.
- Phần mềm: đây được xem như là cốt lõi của hệ thống thực tế ảo hay còn là của kính thực tế ảo. Phần mềm được viết bởi nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, chủ yếu là mô hình 3D để mô hình hoá và mô phỏng các đối tượng.
Nguyên lý hoạt động của kính thực tế ảo
Để có thể trải nghiệm vào không gian ảo hóa bằng công nghệ VR, người dùng cần một thiết bị đeo đầu chuyên dụng để hỗ trợ đeo kính. Loại kính này sẽ bao trùm tầm nhìn của đôi mắt bạn, sau đó phủ lên một lớp hình ảnh ảo hóa. Tùy vào chủng loại và tính năng đi kèm, kính VR có khả năng tương tác với người dùng, tức là bạn có thể điều khiển không gian ảo hóa thông qua ngôn ngữ cơ thể (chạy, cầm nắm, nhìn, gật đầu…).
Các loại Kính thực tế ảo đều hoạt động theo nguyên lý 3D side by side – chia màn hình thành 2 khung hình, mỗi mắt đáp ứng một khung hình ảnh. Khi bạn đeo kính, hai khung hình ấy sẽ được hội tụ qua thấu kính, giúp cho hình ảnh chập lại và tạo ra độ nổi như mô hình 3D. Các màn hình chiếu hình ảnh thường sẽ rất sát với mắt từ 10 – 15 cm. Nhưng khi đeo kính lên bạn lại thấy hình ảnh ở rất xa, giống như đang xem phim chiếu trên màn hình có kích thước lên cả trăm inch.
Kính thực tế ảo phục vụ trong đời sống
Với những tiềm năng và lợi ích mà công nghệ này mang lại, VR đang được dự báo sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Công nghệ thực tế ảo tại Việt Nam đã xuấ hiện trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục, y tế , du lịch đến giải trí. Thông qua kính thực tế ảo, những ứng dụng VR cho phép người dùng trải nghiệm những hoạt động bất khả thi trong thế giới thực, từ viễn tưởng đến thực tế, giúp họ có được cảm giác như đang sống trong một thế giới khác.
Trong lĩnh vực giáo dục, kính VR đang được sử dụng để cải thiện phương pháp giảng dạy và học tập. Các sinh viên có thể trải nghiệm những mô hình 3D và thực hành các kỹ năng một cách thực tế. Đối với ngành giải trí, kính thực tế ảo mang lại những trải nghiệm mới lạ cho người sử dụng. Người dùng có thể thực sự trải nghiệm những môi trường ảo đầy màu sắc và sống động. Các trò chơi VR cũng được phát triển để mang lại những trò chơi trực quan và thực tế hơn. Ngoài ra, kính VR đã trở thành một công nghệ đột phá trong ngành y tế với nhiều ứng dụng hữu ích. Với công nghệ VR, các bác sĩ, y tá và sinh viên y khoa có thể tập trung vào việc học tập và nghiên cứu những thủ thuật phẫu thuật phức tạp một cách hiệu quả. Các bệnh nhân có thể đeo kính VR và được đưa vào một thế giới ảo để giảm bớt cảm giác đau đớn và lo lắng trong quá trình điều trị.
Trong những thời gian gần đây, kính VR đã trải qua nhiều cải tiến vượt bậc. Ban đầu, chúng chỉ là những thiết bị đơn giản, có thể hiển thị hình ảnh và âm thanh đơn giản. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, kính VR đã được cải tiến để cung cấp cho người dùng một trải nghiệm sống động và chân thực hơn. Những ưu điểm đáng chú ý bao gồm độ phân giải cao hơn, tốc độ khung hình nhanh hơn và khả năng theo dõi chuyển động mắt. Nhờ đó, người dùng có thể trải nghiệm thế giới ảo một cách chân thật hơn.
Hiện nay kính VR không chỉ đơn thuần là một công cụ giải trí mà còn là một công cụ hữu ích để giải quyết các vấn đề thực tế. Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy được sự bùng nổ của những xu hướng công nghệ thực tế ảo. Chúng ta hãy cùng chờ đợi những bước tiến vượt bậc hơn nữa trong tương lai.