Với xu hướng công nghệ đang ngày càng phát triển, chúng ta không còn xa lạ với các khải niệm về công nghệ thực tế ảo. . Tuy nhiên, một trong những nhầm lẫn thường gặp chính là sự khác nhau giữa công nghệ thực tế ảo (VR) và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR). Vậy công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) là gì?
Thực tế tăng cường là gì?
Công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) là phương pháp tích hợp thông tin kỹ thuật số, cung cấp các yếu tố ảo như một lớp phủ với thế giới thực bằng hình ảnh 3D. Hay nói cho dễ hiểu hơn thì AR là công nghệ cho phép chúng ta nhìn thấy những hình ảnh và hiệu ứng ảo xuất hiện trong thế giới thực xung quanh chúng ta qua các thiết bị điện thoại thông minh. Khác với công nghệ thực tế ảo (VR), người dùng AR có thể nhìn thấy, cảm nhận thấy và thậm chí tương tác được với các vật ảo đó tại thế giới thực.
Có thể nói công nghệ AR được xây dựng bằng cách thực hiện bốn hình thức cơ bản sau đây:
- Chụp màn ảnh (Scene capture): Đầu tiên, sử dụng thiết bị chụp video hoặc màn hình hiển thị đeo vào đầu để tăng cường thực tế.
- Xác định màn ảnh (Scene identification): Quét môi trường để xác định vị trí nội dung ảo sẽ được nhúng.
- Xử lý màn ảnh (Scene processing): Hệ thống sẽ lấy nội dung ảo từ Internet hoặc cơ sở dữ liệu tương ứng. Từ đó, bối cảnh sẽ được nhận dạng và xác định rõ ràng nội dung ảo tương ứng được với yêu cầu.
- Quan sát màn ảnh (Scene visualization): AR sẽ tạo ra hình ảnh hỗn hợp của không gian thực và nội dung ảo.
Thông qua 4 hình thức xử lý cơ bản trên, AR sẽ tiến hành phân tách hình ảnh từ môi trường thực thu được qua ống kính camera. Khi đó, quá trình sẽ bao gồm 2 giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1: Thông qua camera, công nghệ thực tế ảo tăng cường sẽ thu lại hình ảnh từ không gian thực và tiến hành phân tách chúng bằng cách xác định điểm dẫn (interest point), dấu chuẩn (fiducial marker) và luồng quang (optical flow).
- Giai đoạn 2: Hệ thống sẽ mô phỏng và tái tạo lại hệ tọa độ không gian của môi trường thực vừa phân tích, đặt các dữ liệu hình ảnh 3D vào bên trong môi trường ảo đó.
Sự khác nhau giữa AR và VR
- VR là một thế giới hoàn toàn được tạo ra bởi máy tính, trong đó người dùng có thể “nhảy” vào một thế giới ba chiều thông qua màn hình hoặc thiết bị đặc biệt.
- AR kết hợp cả thế giới thực và ảo. Người dùng AR vẫn có thể nhìn thấy và cảm nhận được thế giới thực xung quanh họ, điều mà không thể có khi đắm mình trong VR.
Ưu điểm
Công nghệ AR:
- Tăng cường trải nghiệm: xem hình ảnh 3D song song cùng thế giới thực, nhìn thấy thế giới thực và cũng có thể hiển thị thông tin bổ sung.
- Tăng cường tương tác: công nghệ này tạo ra các trò chơi, ứng dụng tương tác độc đáo. Điển hình như trò chơi Pokemon Go. Từ đó, người dùng sẽ tham gia và có những trải nghiệm chân thực hơn.
- Dễ dàng ứng dụng: Khác với VR, người dùng muốn trải nghiệm AR thì chỉ cần mở ứng dụng có phần mềm AR hoặc quét mã QR là có thể sử dụng.
Công nghệ VR:
- Trải nghiệm thực tế ảo: Thông qua thiết bị công nghệ VR, người dùng đi vào 1 thực tế ảo hoàn toàn khác với thế giới thực nhưng trải nghiệm lại vô cùng chân thực.
- Tính tương tác cao: Trong không gian thực tế ảo, VR cung cấp cho người dùng trải nghiệm tương tác cao, giúp người dùng tham gia vào các trò chơi, ứng dụng một cách đầy đủ.
- Sử dụng trong đa lĩnh vực.
Nhược điểm
Công nghệ AR:
- Thiếu trang bị phần cứng cho AR: Người dùng chỉ có thể trải nghiệm công nghệ AR trên các ứng dụng của smartphone. Thời gian gần đây, ông lớn Apple đang nghiên cứu và sẽ sớm ra mẫu tai nghe AR/VR. Đó được xem là bước tiến khả quan cho công nghệ AR sớm được phát triển và hoàn thiện hơn.
- Sự phức tạp của AR dẫn đến việc hạn chế về độ phổ biến: Công nghệ AR hiện tại vẫn chưa thể áp dụng vào các ứng dụng hoặc thiết bị có độ tiên tiến tương tự như thực tế ảo (VR). Ngoài ra, phần mềm AR còn khá mới mẻ đối với những bộ phận người dùng khi không quen sử dụng đồ công nghệ.
Công nghệ VR:
- Thiết bị hỗ trợ: Giá thành của các thiết bị hỗ trợ của VR tương đối cao và khó đáp ứng đối với người dùng.
- Cảm giác khó chịu: Khi trải nghiệm thực tế ảo VR, người dùng dễ có những triệu chúng như đau đầu, buồn nôn và chóng mặt.
Tương lai phát triển của công nghệ AR
Thực tế ảo tăng cường là công nghệ giúp bạn có thể trải nghiệm thế giới ảo thông qua thiết bị điện thoại / máy tính bảng thông minh. Tuy công nghệ này đã xuất hiện từ rất lâu nhưng lúc ấy, công nghệ này chỉ được sử dụng trong các lĩnh vực công nghệ phức tạp hoặc nghiên cứu khoa học. Từ khi trò chơi Pokemon Go ra đời vào năm 2016, công nghệ này đã trở nên phổ biến hơn và được nhiều người biết đến. Ngày nay, AR đã có thể được sử dụng trong nhiều hoạt động thông thường như giáo dục, giải trí, bán hàng, y tế, tiếp thị và truyền thông…
Ở thời điểm hiện tại, công nghệ AR sẽ phát triển nhanh hơn về mặt thương mại và mức độ phổ biến, còn VR có lẽ phải đợi một thời gian nữa khi mà giá thành giảm và các thiết bị có cách tiếp cận dễ hơn với người dùng. Các ứng dụng AR đa dạng từ nhiều lĩnh vực đã dần trở thành xu hướng công nghệ nổi bật cho các doanh nghiệp trong những năm gần đây. Nhiều công ty đang đầu tư vào AR để tạo ra các sản phẩm mới cũng nh cải tiến sản phẩm hiện có của mình. Theo CEO hãng Apple – Tim Cook cho rằng, AR và Công nghệ Thực tế Ảo nói chung sẽ sớm chiếm lĩnh thị trường và trở thành nền tảng không thể thiếu trong các thiết bị của tương lai. Với sự phát triển của công nghệ, chúng ta có thể chờ đợi những ứng dụng AR thú vị và đầy tính ứng dụng trong tương lai.